VnExpress phỏng vấn Đại tá Hà Thế Tấn - Viện phó Y học dự phòng quân đội, thành viên Tiểu ban kỹ thuật phòng chống Covid-19 của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng.
- Việt Nam đang áp dụng kịch bản nào để ứng phó Covid-19, thưa ông?
- 5 cấp độ dịch gồm: một là có bệnh xâm nhập; hai là dịch bệnh lây nhiễm thứ phát trong nước; ba là dịch bệnh lây lan trên 20 người; bốn là dịch lây lan từ 1.000 đến 3.000 người; năm là dịch lan rộng từ 3.000 đến 30.000 người mắc.
Chúng ta đang ở cấp độ ba, dịch lây lan trên 20 người. Các cấp độ khác nhau, số người mắc cao hơn, biện pháp ứng phó sẽ mạnh mẽ hơn. Chính phủ, ban chỉ đạo quốc gia, quân đội đều đã xây dựng, diễn tập, chuẩn bị tất cả cho các tình huống này, với tinh thần luôn chủ động, không chủ quan.
Tôi cho rằng Việt Nam chưa vào giai đoạn lây lan mạnh trong cộng đồng. Các bệnh nhân 17 , bệnh nhân 34 có lây lan nhưng thông qua tiếp xúc gần. Đặc điểm giai đoạn này là nguồn lây nhiễm chủ yếu từ nước ngoài. 57 ca dương tính phần lớn nguồn xâm nhập từ châu Âu và Mỹ. Nếu dịch bệnh ở châu Âu và khu vực khác diễn tiến xấu, người Việt ở nước ngoài có thể ồ ạt về nước. Nhóm này về nước với số lượng đông là nguy cơ rất lớn. Chính phủ nên duy trì các biện pháp lập tức cách ly 14 ngày như đã áp dụng với công dân Việt Nam về từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hiện chưa thể dự đoán về đỉnh dịch ở Việt Nam Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog được bởi số ca bệnh đang ít và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, khó xảy ra tình trạng 1.000 ca nhiễm ở Việt Nam.
Đại tá Hà Thế Tấn, Viện phó Y học dự phòng quân đội. Ảnh: Ngọc Thành. |
- Đâu là cơ sở để ông nhận định như trên ?
- Việt Nam chưa có cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, trang thiết bị như các nước phát triển. Nhưng hệ thống y tế dự phòng được xây dựng từ trung ương về tới tuyến xã với hệ thống máy móc tương đối hiện đại, cùng nguồn nhân lực chất lượng. Khi có dịch, chúng ta kích hoạt hệ thống y tế dự phòng phát huy hiệu quả. Thực tế đã chứng minh điều này.
Nếu tuyến dưới chưa đủ năng lực, lập tức nhận được hỗ trợ từ tuyến trên. Như ở Vĩnh Phúc, tổ công tác của Bộ Y tế gồm nhiều chuyên gia về hỗ trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Vĩnh Phúc và trung tâm y tế huyện Bình Xuyên. Gần đây một đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã vào "chi viện" cho Bình Thuận . Từ kinh nghiệm Vĩnh Phúc, chúng ta có thể phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly để dập dịch tại chỗ.
Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng trung tâm điều trị trực tuyến, để các chuyên gia đầu ngành có thể trao đổi ngay với bác sĩ tuyến dưới.
Với việc kiểm soát như Việt Nam hiện nay, dịch sẽ khó bùng phát giống Hàn Quốc, Trung Quốc hay Italy. Nếu có cũng sẽ co cụm ở một số địa phương nên việc hỗ trợ từ Trung ương là hoàn toàn khả thi. Tất nhiên đây là nhận định cá nhân. Chúng ta không hoang mang và không chủ quan, vẫn phải dự phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.
- Phương pháp cách ly Việt Nam đang áp dụng đòi hỏi nguồn nhân lực và vật lực rất lớn, ông nghĩ sao?
- Việc cách ly một tuyến phố hay một xã, thậm chí là khu vực lớn hơn, dĩ nhiên tốn kém nhưng tổn thất sẽ thấp hơn so với để lây lan dịch bệnh. Chính phủ đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly. Và theo tôi, chi phí sinh hoạt cho 10.000 người như ở Sơn Lôi chắc chắn rẻ hơn rất nhiều so với điều trị 1.000 người mắc bệnh. Điều quan trọng là không làm đảo lộn đời sống, tâm lý của người dân. Việt Nam cần kiên trì phương pháp này cho đến khi hoàn toàn dập được dịch.
Hồi chống dịch SARS (năm 2003), Việt Nam chưa khoanh vùng cách ly cộng đồng, chỉ cách ly bệnh viện Việt Pháp. Bây giờ chúng ta đã thực hiện cách ly tập trung và cách ly cộng đồng. Biện pháp này đang phát huy tác dụng khi chưa có ca lây nhiễm nào cho nhân viên y tế.
Khoảng 34.000 công dân trong các trung tâm cách ly tập trung và sắp tới có thể tăng lên. Cách ly tại nhà chỉ áp dụng cho nhóm có nguy cơ thấp. Cách ly cộng đồng như ở Sơn Lôi hay Trúc Bạch cần thiết trước hết vì sức khoẻ những người trong khu vực này. Đây cũng là trách nhiệm của họ với cộng đồng.
Người dân nên khai báo trung thực và không nên trốn tránh cách ly, hãy coi đó là quãng thời gian để sống chậm. Cũng không thể trốn được khi cộng đồng đã nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh. Chưa kể bị phát giác còn ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, làm liên luỵ gia đình, bị xã hội lên án và có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm lây lan dịch bệnh.
Dịch bệnh có ba mắt xích là nguồn truyền nhiễm, yếu tố trung gian truyền nhiễm và khối cảm thụ (những người chưa bị lây nhiễm). Chúng ta phải áp dụng các biện pháp đồng thời với cả ba mắt xích, nhưng với Covid-19, cần ưu tiên tấn công mạnh mẽ vào nguồn truyền nhiễm. Nghĩa là việc phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly cực kỳ quan trọng. Tôi cho rằng đây là một trong những điều mấu chốt trong phương pháp ứng phó dịch bệnh của Việt Nam.
- Các chiến lược ứng phó với dịch bệnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc để lại bài học gì cho Việt Nam?
- Mỗi nước có quan điểm chống dịch riêng tuỳ vào văn hoá, thể chế chính trị, pháp luật và năng lực. Hàn Quốc tập trung vào xét nghiệm quy mô lớn, phát hiện sớm người nhiễm bệnh. Trung Quốc áp dụng cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch. Dù Trung Quốc ban đầu đã bỏ lỡ giai đoạn vàng, nhưng hiện nay họ đã khống chế được dịch.
Việt Nam sớm nhìn ra bài học đó, nên đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ ngay từ đầu. Nếu muốn dịch nhanh kết thúc thì chỉ có cấm cửa biên giới, nhưng chúng ta chưa làm việc đó và chưa cần thiết phải làm vì đang kiểm soát tốt tình hình. Đây là lúc chúng ta phải quản lý thật tốt nhóm người nhập cảnh.
Trung Quốc cách ly, điều trị tập trung hàng nghìn người trong khu vực nhỏ như hội trường, nhà thi đấu nên áp lực cục bộ rất lớn, lây nhiễm chéo là khó tránh khỏi. Việt Nam rút kinh nghiệm, phân tuyến điều trị ngay ở bệnh viện huyện, hạn chế vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, giảm mật độ cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, giảm quá tải cho nhân viên y tế.
- Ông dự đoán gì về thời điểm kết thúc dịch bệnh?
- Lúc này, để dự đoán khi nào hết dịch rất khó. Với các giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ cùng sự vào cuộc của tất cả các ngành, đặc biệt ngành y tế, cùng với yếu tố thuận lợi khi mùa hè đến, nhiệt độ cao lên thì có thể sớm khống chế hoàn toàn Covid-19.
Về quan điểm "miễn dịch cộng đồng", để virus lây lan cho số đông nhằm tăng sức đề kháng toàn dân, tôi xin khẳng định WHO không khuyến cáo và Việt Nam cũng không bao giờ áp dụng cách này. Trong lịch sử chống dịch truyền nhiễm trên thế giới, chưa có nước nào áp dụng biện pháp trên, nhất là với đại dịch. Muốn tạo miễn dịch cộng đồng thì phải tiêm vaccine chứ không phải bằng cách để dịch tự lây lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét